Chương 8: Ra khỏi thành Đại La (2)

Chúng tôi cải trang thành người của một gia đình giàu có. Chàng mặc áo tứ thân màu xanh ngọc còn Quang Khải, áo màu xanh lục. Tôi mặc áo tứ thân màu hồng, trong lót vải trắng và vàng, tóc buộc túm lên đỉnh đầu, đuôi tóc được uốn cong và cố định bởi một cây trâm làm bằng đồi mồi. Phụng Dương công chúa kiểu tóc cũng để giống tôi, mặc áo xanh lam, trong lót vải hồng và vàng. Tôi thầm nghĩ bụng hoàng cung có vẻ thích màu xanh thì phải.

Lúc trông thấy tôi, Phụng Dương công chúa tròn xoe mắt nhìn, có lẽ không biết tôi sẽ cùng đi. Đến khi Quang Khải giới thiệu mới ồ lên một tiếng rồi bảo:

– Thảo nào lại trông quen quen, hóa ra hôm yến tiệc mừng Thiên Cẩm phu nhân mang long thai đã thấy rồi

Sau lại tiếp lời:

– Không biết Ứng Thụy công chúa năm nay bao nhiêu tuổi?

Tôi liền đáp:

– Dạ, 15 tuổi ạ

Phụng Dương công chúa nghe vậy liền reo lên:

– Vậy em gọi ta là chị nhé. Ta hơn em một tuổi

Quang Khải đứng bên cạnh thấy thế nói chen vào:

– Hơn có một tuổi thôi mà. Sao không gọi nhau bạn bè cho thân thiện

Phụng Dương công chúa nghe vậy không nói gì, nhưng tôi thầm nghĩ chả hiểu hắn ta nghĩ gì không biết, hơn một tuổi thì tôi phải gọi là chị chứ, liền nói với Phụng Dương công chúa:

– Dù sao công chúa cũng hơn em một tuổi mà. Vậy em gọi công chúa là chị Phụng Dương nhé

Phụng Dương công chúa nhìn sang Quang Khải, thấy không nói gì liền vui vẻ gật đầu. Tôi trông thấy thế liền liếc Quang Khải một cái rồi nói cười với Phụng Dương công chúa:

– Có người anh trai như hoàng tử, chắc chị phải vui sướng lắm nhỉ?

Phụng Dương công chúa bẽn lẽn nhìn tôi rồi nói:

– Chỉ là anh nuôi thôi, cũng không phải anh ruột

Nghe vậy tôi liền nhớ ra Phụng Dương công chúa này chính là con gái ruột của Tướng Quốc Thái sư Trần Thủ Độ và là con gái nuôi của Thái Thượng Hoàng.

Lúc này, chàng sau khi dặn dò xong mấy người khiêng kiệu đang quay lại. Chàng nhìn tôi một cái rồi bảo mọi người bắt đầu xuất phát. Đi cùng chúng tôi còn có Thu Cúc, và nô tì của Phụng Dương gọi là Lý Lan, ngoài ra còn có hai quan thái giám tên gọi Lê Siêu và Nguyễn Phúc.

Ngồi trong kiệu, tôi đưa tay vén bức màn nhìn thấy trước mắt là cổng Dương Minh Môn, phía trên là Triều Thiên Các, xa xa là Cấm Thành với cung Thánh Từ bên trái và cung Quan Triều bên phải, chính giữa là Thiên An Ngự Điện. (2)

Ra khỏi Hoàng Thành, chúng tôi đi bộ trong thành Đại La. Lần đầu tiên ra ngoài, tôi thấy cái gì cũng mới lạ. Lúc chúng tôi tiến vào thành Đại La cũng là lúc đầu phiên chợ chiều, mọi người đi lại tấp nập, hàng hóa được bày bán rất đa dạng. Phùng Dương trông có vẻ còn ngạc nhiên hơn tôi. Lúc cô ấy nhìn thấy một người đàn ông bị rơi mất tấm khăn che đầu làm lộ một cái đầu cạo trọc, cô ấy cứ ngây người ra. Tôi thì không lấy thế làm lạ. Dù sao tôi cũng ở trong chùa 15 năm; còn cô ấy, từ khi sinh ra đã ở trong cung, gặp người thường đã khó, mà có gặp thì theo phép tắc người ta cũng phải dùng khăn che cái đầu trọc lại.

Tuy vậy, chúng tôi cũng bị chú ý nhiều. So với đại bộ phận người dân chân đi đất, mặc áo tứ thân sẫm màu thì mấy người chúng tôi xanh, hồng, trắng, vàng đủ cả. Có điều, người ta cũng nhìn một lúc rồi đi, chắc chỉ nghĩ chúng tôi là con cái nhà vương gia nào đó. Nếu họ biết trong đó có một người là hoàng đế đương triều thì sẽ nghĩ sao nhỉ!!!

Trong lúc tôi vừa ngó nghiêng vừa suy nghĩ thì suýt bị hai đứa trẻ nhỏ đang đùa nghịch trên đường va phải. Một cánh tay đã kéo tôi lại. Đỉnh đầu tôi chạm vào cằm người ấy, tay người ấy vòng qua nhẹ nhàng đỡ lấy eo tôi; trán tôi chạm vào khuôn ngực vững chắc, trước mắt là lớp áo lụa màu xanh ngọc. Người ta nói lụa tơ tằm mát lạnh, tôi thấy sai rồi. Da tôi như hơ phải lửa, cả người trong phút chốc nóng bừng. Tôi lúng túng ngước mắt lên, thấy người ấy đang nhìn mình. Đôi mắt người ấy sâu thăm thẳm, hàng lông mi cong vút bao quanh viền mắt khiến đôi mắt đã sâu lại càng sâu hơn. Chiếc mũi cao thẳng khiến mặt chàng có chút uy nghiêm nhưng bờ môi đầy đặn với khóe miệng khẽ nhếch lên mang theo vẻ dịu dàng khó tả. Tôi không biết chúng tôi đã đứng như thế bao lâu, chỉ biết là trong đôi mắt người ấy, bóng hình của tôi đã rất rõ nét.

Tiếng Phụng Dương đã đưa tôi về thực tại. Tôi nghe thấy cô ấy nói:

– Em hỏi anh một đằng anh lại trả lời em một nẻo. Để em hỏi Ngọc Khuê vậy

Tôi ngại ngùng rời khỏi vòng tay ấm áp kia, lao đến sạp hàng bán mấy thứ đồ trang sức bên đường. Thì ra Phụng Dương thích một chiếc vòng làm bằng sừng trâu. Cô ấy đeo vào rồi hỏi Quang Khải là có đẹp không nhưng hắn ta lại trả lời “Nếu em thích thì mua đi.” Cuối cùng, sau khi tôi khen chiếc vòng đẹp, Quang Khải đã mua nó cho cô ấy, còn mua thêm cho tôi một chiếc giống vậy. Tôi thấy Phụng Dương có vẻ không vui nên đoán chắc cô ấy ở trong cung quen dùng những thứ độc nhất vô nhị, thấy tôi có cái giống y hệt đâm ra không vui. Tôi liền đổi một cái khác nhưng cô ấy vẫn có vẻ chẳng vui hơn. Tôi thầm nghĩ bụng Phụng Dương công chúa này thật là khó chiều.

Chúng tôi rẽ vào một con đường gọi là Hòe Nhai (3) ở phía Đông, ven sông Nhị Hà (4). Trên đường trồng rất nhiều cây hòe, tỏa hương thơm ngát. Mỗi khi có đợt gió nhẹ thổi qua, cánh hoa bay bay trong gió khiến cho cảnh sắc nơi đây rất nên thơ. Phụng Dương công chúa rất thích thú với những bông hoa hòe, chạy lên phía cành cây thâm thấp phía trước mặt, vịn lấy để ngắt một bông rồi cài lên tóc. Các cánh hoa hòe vì thế mà rụng tơi tả. Quang Khải đưa tay gỡ vài cánh hoa trên tóc tôi. Lúc quay người để tránh tiếp xúc ấy, tôi thấy chàng khẽ ngẩng mặt lên trên, các cánh hoa vàng rơi như mưa khiến khuôn mặt chàng nhòa đi. Trong phút chốc, tôi chợt thấy lòng hoảng hốt…

___________________

(1) Thăng Long thời Trần được thiết kế theo kiểu “Tam trùng thành quách: Vòng thành ngoài mang tên thành Đại La (chỗ ở của dân chúng). Vòng thành thứ hai (vòng thành giữa) được chính thức gọi là Hoàng thành hay Long thành (các cơ quan chính thức của triều đình). Năm 1243, nhà Trần đắp lại thành này, đổi gọi là

thành Long Phượng, còn gọi là Phượng thành. Vòng thành trong cùng gọi là Cung thành (còn gọi là Cấm Thành, dành cho Hoàng đế và Hoàng gia)

http://dvt.vn/2011112112112805p0c93/pho-co-soi-dong-trong-dip-ky-niem-ngay-di-san-van-hoa.htm

(2) Thăng Long thời Trần: Xây dựng kinh thành : Qua cổng nam của hoàng thành, đi sâu vào bên trong, phải qua một cổng nữa rồi mới tới chính điện của hoàng cung. Cổng đó cũng ở chính nam, gọi là Dương Minh Môn, trên cổng có gác, gọi là Triều Thiên Các, cửa nách bên trái gọi là Nhật Tân Môn, cửa nách bên phải gọi là Vân Hội Môn […] Trong thành nội, từ năm 1230, lập cung điện, lầu gác làm nơi thiết triều phía đông, phía tây làm hành lang giải vũ. Bên trái là cung Thánh Từ, nơi Thượng hoàng ở, bên phải là cung Quan Triều, nơi vua ở […] Ngoài các cung điện được mô tả ở trên, trong hoàng cung còn nhiều cung điện khác. Điện Diên Hồng, nơi diễn ra Hội nghị Diên Hồng nổi danh trong lịch sử. Điện Diên Hiền, điện Bát Giác nơi vua thiết yến các quan. Vọng Lâu, nơi vua ngự xem lính đấu nhau với voi, hổ, chuồng hổ đặt ngay dưới lầu.

Ngoài điện là nơi công sở, còn có các cung là nơi ở, cung Thượng hoàng ở gọi là Thánh Từ hay Phụ Thiên, Vạn Thọ, cung vua ở gọi là Quan Triều, cung cung nữ ở gọi là Lệ Thiên, Thưởng Xuân, Sừ Cung là cung của Thái tử… Ngoài ra còn có các cung Thượng Liễn là nơi lưu trữ các bản tấu.

http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel/102/2009/10/3545/#4ZmOaNSnOPzR 

(3) Thăng Long thời Trần: Có một con đường trồng toàn những cây hòe ở phía Đông, đi men sông, được gọi là đường Hòe Nhai, thơm ngát hương hoa

http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Thang-Long-thoi-Tran/200912/4612.vgp

(4) Sông Nhị Hà: Sông Hồng

Chương 7: Có tin vui (2)

Hoàng đế mới lên ngôi đã ra một loạt chính sách mới để chấn hưng đất nước sau chiến tranh. Một trong những chính sách quan trọng mà quan gia đề ra là cấp điền trang, thái ấp cho hoàng thân quốc thích và các quý tộc, sau đó lại cho phép họ chiêu mộ người dân lao động làm việc cho mình. Vì chuyện này mà Thụy Bà công chúa hai hôm trước đã trở về thái ấp (1) ở hương Bạch Hạc, thuộc trấn Thiên Hưng (2) để sắp xếp công việc. Trong phủ chỉ còn có tôi, Thu Cúc và một vài nô tì khác. Thấy tôi nằm bò trên bàn có vẻ buồn chán, Thu Cúc liền rủ tôi chơi đá cầu.

Thu Cúc hình như cũng mới vào phủ công chúa giống như tôi, quãng chừng gần 30 tuổi. Thấy cô ấy quan tâm đến tâm trạng của mình, tôi đã rất cảm động, thầm tự trách trước kia đã không tốt, thường lẻn trốn đi chơi một mình, không biết cô ấy có bị Thụy Bà công chúa mắng không. Đang chơi vui vẻ, tôi buột miệng hỏi:

– Thu Cúc, cô có anh chị em gì không?

Cô ấy tự dưng thần người ra, quên cả việc phải đỡ cầu, vội cúi người xuống nhặt rồi mới đáp:

– Dạ, thưa công chúa, nô tì từ bé đã được đem bán nên cũng không rõ gia đình mình có những ai

Tôi thấy cô ấy nói vậy đâm ra ngậm ngùi, nhớ tới bản thân mình cũng không rõ cha mẹ là ai, không biết anh chị em thân thích có bao nhiêu người. Có lẽ Thu Cúc cũng cùng tâm trạng với tôi nên chẳng ai chuyên tâm đá cầu nữa. Trong lúc không để ý, quả cầu bị tôi đá bắn thẳng vào trán của Quang Khải, người đang bước từ cổng vào.

Thấy anh ta nhăn nhó, tôi che miệng cười khúc khích. Thu Cúc bên cạnh thì vội vàng làm lễ chào. Anh ta phẩy phẩy tay mấy cái với Thu Cúc rồi quay sang tôi, vờ nghiêm mặt:

– Gặp ta đã không chào hỏi thì thôi lại còn như thế, xem ra cô chẳng coi ta ra gì nữa rồi

Tôi bĩu môi, đáp trả:

– Cái này làm sao trách tôi được. Ai bảo anh cứ chọn những lúc như vậy mà xuất hiện

Nói xong thì cứ thế đi vào trong nhà, ngồi uống trà. Quang Khải cũng đi theo tôi, ngồi ở ghế bên cạnh, thở dài:

– Ta đang định mang đến cho cô một tin vui, đảm bảo cô sẽ thích. Biết thế này, đã chẳng đến làm gì

Tôi tò mò nhìn sang hỏi:

– Tin vui gì thế?

Quang Khải được thể, cố ý đưa trà lên mũi ngửi rồi ra chiều tâm đắc nói:

– Trà này thật thơm quá

Tôi biết anh ta giở trò, nhưng nghĩ mình đang muốn moi tin từ người ta, cần phải mềm mỏng, vậy là khoe nụ cười xu nịnh, bợ đỡ:

– Hoàng tử thật là biết thưởng trà. Đây là trà Phi Lộc (3), Thụy Bà công chúa được khách quý biếu. Để chút nữa em cho người gói lại cho hoàng tử mang về

Quang Khải nghe tôi nói vậy liền ho khụ khụ mấy tiếng, liếc nhìn tôi mấy cái rồi ngán ngẩm nói:

– Mấy lời đó được cô nói ra sao chẳng êm tai chút nào, làm ta nổi hết gai ốc…Thật ra quan gia và ta mấy hôm nữa sẽ rời khỏi Hoàng thành, vi hành về phía Nam. Em gái ta là Phụng Dương công chúa đòi đi theo nên ta nghĩ có cô đi cùng sẽ vui hơn.

Tôi nghe vậy, mắt sáng lên. Quả thật, ở trong phủ hiện giờ rất buồn chán. Lúc Thụy Bà công chúa ở nhà thường bảo tôi học cái này, tập cái kia. Mặc dù tôi không mặn mà lắm với việc học làm tiểu thư khuê các nhưng biết có người quan tâm đến mình thì cảm thấy ấm áp. Bây giờ công chúa đi vắng, trong phủ chẳng còn ai bảo ban tôi nữa, tự dưng thấy rất hiu quạnh. Mẹ ở bên phủ của Ngự Sử Đại Phu nghe nói mấy hôm nay cũng về quê ngoại lễ chùa nên tôi cũng chẳng thể lại. Hơn nữa, tôi từ nhỏ ở trên núi, lại sống trong chùa, sau lại là hoàng cung, cuộc sống bên ngoài như thế nào tôi không hề biết. Chỉ là, tôi có chút băn khoăn về việc sẽ đi cùng chàng. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn hồ hởi nói với Quang Khải:

– Nếu thế cho tôi đi với. Tôi trước kia sống ở bên ngoài biết rất nhiều trò vui. Cho tôi đi cùng đảm bảo sẽ rất vui đấy

Nói xong lại cười toe toét, không hề để ý đến khuôn mặt Quang Khải lộ ra cái vẻ khinh khỉnh, trên mặt giống như đang viết mấy chữ: Sống ở vùng đồi núi khỉ ho cò gáy không được coi là sống bên ngoài

______________________

(1) Đặng Viết Thủy. “Nhà Trần với chính sách kinh tế tài chính” : thái ấp – đất phong của quý tộc nhà Trần

http://www.giaodiem.com/doithoai/kinhtenhatran.htm

(2) Bạch Hạc (tức Việt Trì, Phú Thọ nay), trấn Thiên Hưng (gồm Cao Băng, Lào Cai và Phú Thọ) 

(3) Phi Lộc tức là Can Lộc, Hà Tĩnh ngày nay


Chương 6: Dự yến tiệc (2)

Cuối cùng thì tôi cũng gặp được người con nuôi yêu quý của Thụy Bà công chúa, Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn. Tôi nghe Thu Cúc nói đó chính là người hùng trong trận đánh quân Nguyên cuối năm ngoái (1). Hơn nữa, anh ấy còn rất trẻ, mới chỉ có 26 tuổi.

Quả nhiên con người ấy có khí chất khác người: Dáng người vững chắc, da ngăm đỏ có lẽ vì sương gió, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú lại có vẻ uy nghiêm của một vị tướng. Vậy mà khi quay sang nhìn vợ mình lại rất dịu dàng, chiều chuộng. Thụy Bà công chúa trông thấy Quốc Công, mắt sáng lấp lánh, đầy tự hào. Trong phút chốc, tôi có cảm giác mình như là cọng rơm khô vậy. Có lẽ thấy khuôn mặt tiu nghỉu của tôi, công chúa liền quay sang giới thiệu:

– Tuấn, đây là Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê, con nuôi của Chiêu Thánh công chúa, hiện đang ở phủ của cô.

Rồi lại tươi cười nhìn hai người trước mắt nói:

– Còn đây là Quốc Công Tiết Chế Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa

Tôi nhoẻn miệng cười, chào: “Dạ, Quốc Công. Công chúa”

Quốc Công liếc tôi một cái rồi hỏi Thụy Bà công chúa:

– Cô, đã chuẩn bị xong hết chưa? Chúng ta cùng qua điện Bát Giác dự yến tiệc đi

Thiên Thành công chúa nhìn tôi cười hiền hòa rồi bảo:

– Em thật xinh xắn đáng yêu quá, đã quen với trong cung chưa?

Tôi lễ phép trả lời:

– Da, cám ơn công chúa, em cũng bắt đầu quen dần rồi ạ

Thiên Thành công chúa nghe thế liền kêu lên:

– Ôi dào, công chúa cái gì, gọi ta là chị Thiên Thành được rồi. Quốc Tuấn trông thế thôi nhưng cũng còn trẻ lắm, sau này gọi là anh Quốc Tuấn đi. Nói xong lại quay sang liếc chồng:

– Đã nói với anh rồi, nếu không phải ở trước mặt tướng tá thì hãy vui vẻ lên, cứ khó đăm đăm thế kia trông thật là già

Tôi cảm thấy cô công chúa này thân thiện, đáng yêu liền vui vẻ gọi “Chị Thiên Thành” nhưng chỉ dám len lén nhìn Quốc Công, không dám gọi anh Quốc Tuấn. Quốc Công thấy vợ mình nói vậy, lại trông bộ dạng e dè của tôi liền tươi cười nói:

– Không cần câu nệ, gọi anh Quốc Tuấn là được rồi

Thụy Bà công chúa thấy mọi người đều vui vẻ nên rất hài lòng, thân mật khoác tay Thiên Thành công chúa nói:

– Đúng là chỉ có em mới trị được Quốc Tuấn thôi

Nói xong hai người lại che miệng cười, không để ý đến tôi đang mắt tròn mắt dẹt. Sau này, Thu Cúc mới nói cho tôi biết Quốc Công Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa tức là cháu lấy cô ruột (2). Lúc nghe chuyện tôi đã giật mình tự hỏi hoàng cung sao lại có thể để chuyện đấy xảy ra được, sau này còn biết trong cung còn nhiều chuyện kết hôn kỳ thú hơn.

Khi chúng tôi đến điện Bát Giác thì đã có khá đông người rồi. Được một lúc sau khi đã đông đủ thì thái thượng hoàng và bệ hạ bước vào, theo sau là các hoàng tử và cung phi. Chàng trông vẫn giống như lúc còn là thái tử, thanh thoát nhẹ nhàng, chỉ khác là có thêm mũ Thông Thiên (3) và chiếc áo Long Cổn (4) có phần rạng rỡ hơn. Nghe chàng thông báo tin vui rằng Thiên Cảm phu nhân đang mang long thai được hai tháng mà tôi thấy rầu rĩ – cứ ngỡ bữa yến tiệc này là mừng chàng lên ngôi, cứ ngỡ có thể vui vẻ mà nói ra tiếng chúc mừng chàng.

Thiên Thành công chúa thì thầm vào tai tôi:

– Em xem, trông cô ta dương dương tự đắc thấy phát ghét. Cô ta cứ làm như là cả thiên hạ này đang mắc nợ gia đình cô ta ấy

Nói đến đấy tự dưng giật mình không nói nữa, quay sang len lén nhìn chồng. Lúc đầu tôi không biết Thiên Thành công chúa nói ai, sau để ý ra mới biết thì ra là nói về Thiên Cảm phu nhân.

Không hiểu có phải vì lời nói của Thiên Thành công chúa không mà tôi cảm thấy Thiên Cảm phu nhân nhìn không vừa mắt. Cô ấy xiêm áo lộng lẫy, mỗi khi có người đến chúc mừng thì cười nói đắc ý, ra chiều sung sướng lắm. Tôi quay sang nhìn chàng ngồi bên, thần sắc vẫn nhẹ nhàng bình thản. Trong phút chán ghét tôi đã nghĩ rằng “đúng là nỗi khổ của các bậc vua chúa, ngay cả sung sướng như thế cũng phải nhịn lại để giữ vẻ uy nghiêm.”

Thiên Thành công chúa không để ý thấy vẻ mặt hắc ám của tôi, rủ rỉ nói chuyện. Qua lời công chúa, tôi cũng biết được sơ qua các vị công thần và hoàng thân quốc thích. Ngồi gần phía Thái thượng hoàng là Tướng Quốc Thái sư Trần Thủ Độ, bên cạnh ông là con gái ruột đồng thời cũng là con gái nuôi của Thái Thượng Hoàng gọi là Phụng Dương công chúa. Nghe Thiên Thành công chúa nói thì phu nhân của ông là Linh Từ Quốc Mẫu đang ốm không tới được. Liền ngay đó là Ngự Sử Đại Phu Lê Phụ Trần, ông đi một mình, không có mẹ tôi theo cùng. Tôi liền nghĩ với tính cách trầm mặc của me, chắc bà không thích những lễ tiệc như thế này. Thiên Thành còn nói thêm về mấy vị thái phó, thái bảo và các quan hàng tam thiếu, tam tư nhưng tôi không có để ý lắm. Tôi thấy Quang Khải nhìn tôi vừa nhấp rượu vừa cười cười, liền trợn mắt nhìn lại. Hắn ta trông thế, rượu đang trong miệng chưa nuốt đã muốn sặc, mặt đỏ lên. Người ngồi bên cạnh, theo như Thiên Thành công chúa là hoàng tử Quốc Khang – anh trai của bệ hạ và Quang Khải, liền quay sang vỗ lưng, trông rất thân thiết. Tôi trong đầu thầm nghĩ, chẳng phải truyền ngôi thường truyền cho con trai trưởng, sao không phải hoàng tử Quốc Khang làm vua mà lại là chàng.

Đang mải mê suy nghĩ về chuyện của hoàng tử Quốc Khang, tôi chợt để ý thấy có người đang nhìn mình. Quay sang thì thấy một thiếu niên tuấn tú chừng mười lăm tuổi. Thiên Thành công chúa dường như cũng nhìn thấy ánh mắt đó nhìn về phía này liền nhỏ giọng:

– Đó là Văn Nhân Vương Trần Quốc Huy, em ruột của Thiên Cẩm phu nhân.

Ngẫm nghĩ một hồi, sau lại nói:

– Hai người đó với anh Quốc Tuấn là anh em cùng cha khác mẹ. Văn Nhân Vương còn nhỏ tuổi, tính thình thuần khiết, nhưng không biết sau này sẽ thế nào

Tôi quan sát Văn Nhân Vương thấy cậu ta có vẻ hơi nhút nhát, thấy tôi nhìn lại liền nhìn tránh sang hướng khác. Vừa lúc ấy, nhóm múa cũng tiến vào che khuất tầm nhìn của tôi. Trên điện có khoảng dăm chục thiếu nữ đang múa điệu múa bài bông (5). Các cô vũ nữ mặc áo chẽn trắng, bên ngoài là áo cộc màu đỏ, mang quần đen thắt gọn ở mắt cá chân, ở bụng có buộc các dải lụa nhiều màu, thỉnh thoảng lại bay phấp phới. Tay mỗi cô là một giỏ hoa, vai đeo một thanh tre ngắn, có treo một ngọn đèn giấy. Đầu các cô đội mũ vải màu, hình chim đuôi én, gắn kim tuyến; chân mang hài xanh thêu kim tuyến. Dưới ánh nến, kim tuyến sáng lấp lánh trông thật rực rỡ. Điệu múa, tiếng hát uyển chuyển trong tiếng nhạc réo rắt của đàn tranh, tiêu, sáo và trống thật du dương. Trong một khắc, tôi dường như đã đắm chìm trong điệu múa đó…

Vở diễn hề và hát chèo cũng khiến tôi cười nghiêng ngả. Nhưng không hiểu sao khi cười xong, tôi lại cảm thấy có ánh mắt từ phía ấy nhìn mình, chỉ hận là không thể quay sang nhìn xem có đúng không…Cảm giác ấy cứ cuốn lấy tôi khiến tôi không thể tập trung xem tiếp được. Thấy tôi không nhập tâm xem, Thiên Thành công chúa liền quay sang hỏi thăm. Tôi đành phải nói cảm thấy trong người không khỏe, rồi xin phép Thụy Bà công chúa về trước. Thụy Bà hỏi tôi vài câu rồi sai Thu Cúc lặng lẽ đưa tôi về. Trong buổi yến tiệc linh đình ấy, chỉ e tôi là ai nhiều người có khi còn không biết, vắng đi tôi cũng có gì to tát đâu.

Dưới ánh trăng sáng đêm hè, tôi và Thu Cúc hai thân lẻ loi lững thức bước về phủ. Đột nhiên tôi nhớ tới những đêm trăng sáng như thế này hồi còn ở chùa Vân Tiêu lúc tôi và anh Trí cùng nhau bắt đom đóm, cười vang cả núi đồi. Khi ấy tôi đã rất vui…

________________

(1) Đại Việt Sử Ký: Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn. Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải765 xâm phạm Bình Lệ Nguyên

(2) Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Anh Sinh Vương Trần Liễu, Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông), Thụy Bà công chúa và Thiên Thành công chúa đều là con của Trần Thừa

(3) & (4) Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam

(5) Múa bài bông: Loại hình nghệ thuật độc đáo thời Trần:

http://www.baonamdinh.com.vn/channel/5093/201201/Mua-bai-bong-Loai-hinh-nghe-thuat-doc-dao-thoi-Tran-2149016/

Chương 5: Chiếc bóng (2)

Tôi không còn bị ám ảnh chuyện mình không phải là con của mẹ, cũng chẳng vì lời nói của mấy cung nữ đó mà buồn phiền nữa. Phật đã dạy “nếu bạn không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho bạn được. Vì chính tâm bạn không buông xuống nổi.” Tôi vì thế không chấp niệm chuyện xuất thân của mình, sống vô tư vui vẻ như chính con người mình vậy.

Tuy nhiên, có một chuyện mà tôi vẫn cảm thấy phiền não. Từ lúc gặp mặt chàng ở bên hồ sen, có đôi lúc tôi lại mơ tới chàng. Trong giấc mơ, bóng chàng mờ mờ ảo ảo, cứ đứng im một chỗ nhìn tôi không nói. Có lần tôi thấy mình trong mơ đưa tay ra chạm vào chàng, nhưng chưa kịp chạm tới thì lại giật mình tỉnh giấc.

Sau khi chàng lên ngôi, tôi vẫn thường ra ao sen đấy. Tôi không nghĩ là muốn gặp lại chàng, chỉ là bước chân không hiểu sao cứ đi đến đó. Có lẽ vì hay đến đây nên tôi lại yêu thích nơi này. Một mình tôi giữa khung cảnh thiên nhiên như vậy lại được tùy ý muốn làm gì thì làm, sao lại không yêu thích được. Lúc đầu tôi còn e ngại chàng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nên cũng không dám quên mất mình là một công chúa. Lâu dần không thấy chàng xuất hiện, tôi chẳng kiêng dè, cứ thế nằm trên bãi cỏ, ngửa mặt lên trời, có khi còn ngủ quên ở đó. Chỉ là tôi không ngờ việc làm mất mặt ấy lại có người nhìn thấy.

Đang thiu thiu ngủ thì tôi chợt nghe thấy tiếng hừ hừ, lúc mở mắt ra, có lẽ vì còn mơ ngủ nên thấy ánh mắt người trước mặt thật dịu dàng, cảm thấy thật giống chàng. Có điều, tôi chưa kịp mơ thì đã bị lời nói của người đó làm cho tỉnh lại.

– Lần này lại không trèo me, định ra đây bắt giun bắt dế hay sao?

Cái giọng nói đáng ghét này chỉ có thể là của tên hoàng tử Khải. Bộ dạng cười đùa của tên ấy làm tôi thấy thật đáng ghét, thầm tức mình sao lại nghĩ hắn giống chàng.

– Không phải việc của ngươi. Sao tự nhiên lại ra đây làm phiền ta. Đúng là đáng ghét!

– Cô thật là lạ. Khu vực này thuộc Sừ cung. Phải là ta hỏi tại sao cô lại ở đây chứ!

Tôi ngẩn người một lúc, thì ra đây là Sừ cung, nơi dành cho các hoàng tử ở, thảo nào lại gặp chàng ở đây. Hoàng tử Khải lúc này ở trước mặt tôi đang ngồi xuống, ngả mình lên thảm cỏ. Hắn với chàng chỉ hơn kém nhau một tuổi, lại là anh em ruột nhưng tôi lại thấy hai người khác nhau hoàn toàn. Chàng nhẹ nhàng như một đám mây, mang theo bóng mát nhưng lại không thể theo đuổi được. Hắn lại thâm trầm như nước, chạm vào thì lạnh nhưng là vẫn có thể chạm tới được. Đấy là sau này tôi mới nhận ra được, còn giây phút này, tôi chỉ cảm thấy rằng con người này không biết là như thế nào, lúc trước anh ta còn vui vẻ trêu chọc tôi, lúc sau lại lặng lẽ nằm lăn ra ngủ.

Tôi ngây người nhìn hắn ngủ một lúc rồi nảy ra một trò tinh quái. Không hiểu sao, dù biết thân phận hoàng tử của hắn, tôi lại không cảm thấy e sợ. Có lẽ, cái cách hắn nửa đùa nửa thật với tôi khiến tôi cảm thấy tất cả đều không phải là thật, hoàng tử hay công chúa đều không có thật, chỉ có hai con người bình thường mà thôi.

Ngắt một cọng cỏ, tôi khẽ khàng luồn nhẹ vào mũi hắn. Hắn nhăn trán rồi đột nhiên nắm lấy cổ tay tôi, nửa thân người ngồi dậy, nhìn thẳng tôi. Chúng tôi mặt đối mặt, mắt đối mắt. Đôi mắt phượng nhìn tôi không chút giận dữ, nhưng lại rất chăm chú. Tôi cảm thấy hơi bối rối, lại chẳng biết phải làm thế nào, thế là cười phá lên. Hắn nhìn tôi cười, chẳng hiểu nghĩ gì cũng cười theo tôi. Tôi cười đến chảy nước mắt, thầm nghĩ có lẽ ở hoàng cung lâu quá, đến quên cả cười thế nào nên có mỗi chuyện nhạt nhẽo đó cũng có thể cười như vậy. Một hồi thì giằng tay ra quay đi lau mắt. Chỉ là khi quay đi, tôi nhìn thấy bóng người sau góc cây nhãn đằng xa. Cái bóng dài, gầy lẻ loi đằng ấy khiến lòng tôi chùng xuống. Đột nhiên, hắn đưa tay vén tóc tôi, hỏi:

– Làm sao thế?

Tôi không hiểu sao thấy tức giận, gạt tay hắn ra, sẵng giọng:

– Chẳng làm sao cả

Hắn ta ngớ người, rồi lại cười:

– Thật đúng là…Vừa nãy còn nói nói cười cười, giờ đã trở mặt rồi

Cảm thấy mình không phải, tôi hơi xịu mặt xuống, nhỏ giọng nói:

– Tự dưng nhớ ra phải về phủ, nếu không Thụy Bà công chúa sẽ mắng

Có lẽ trông tôi có vẻ thành thật, hắn cũng không nói thêm nữa, chỉ bảo:

– Vậy tôi đưa cô về

Tôi vội vàng xua tay nói:

– Thôi, không cần đâu. Anh đưa tôi về lại mất công vào chào hỏi công chúa. Tôi có thể tự về được

Hắn thấy tôi nói vậy, có vẻ tư lự rồi cũng đồng ý để tôi tự về. Tôi chạy vụt đi, lúc đi qua gốc nhãn còn cố ý liếc xem liệu có ai không. Chỉ tiếc là người chẳng thấy, chỉ là một cây nhãn đứng khẳng khiu ở đó. Bước chân tôi chậm lại, cảm thấy hoàng hôn quá vô tình đến thật là mau…

 

Chương 4: Đóa hoa dành dành (2)

Thụy Bà Công chúa nhìn tôi trông giận lắm, nhưng trước mặt hai vị hoàng tử không dám mắng bèn bảo Thu Cúc đưa tôi đi sửa soạn lại. Tôi biết mình sai, bèn ngoan ngoãn nghe theo, sau đó lại ngay ngắn ngồi trong phòng học thêu thùa. Lúc Thụy Bà công chúa gọi tôi ra, hai vị hoàng tử đã ra về. Người kêu tôi ngồi lại gần rồi thở dài:

– Lúc trước thì có Quốc Tuấn (1), bây giờ thì là công chúa.

Quốc gia ơi là quốc gia, người đúng là không để ta yên mà.

Tôi trong bụng nghĩ không biết Quốc Tuấn là ai, để chút phải hỏi Thu Cúc mới được, lại nhìn thấy công chúa không có vẻ chán ghét mình lắm liền cười cầu hòa, công chúa thấy vậy liền lừ mắt rồi sai người đưa tôi đi thăm mẹ.

Ngự Sử Đại Phu không có nhà nên trong phủ có vẻ đìu hiu (2). Mẹ mặc áo tứ thân, tóc để xõa, người ngồi trên võng, mắt hướng nhìn xa xăm, tôi chạy tới ôm chầm gọi “mẹ”, người mới giật mình nhìn xuống tôi một cái. Cô Thanh Mai đi sau đã khúc khích cười:

– Công chúa ơi là công chúa, người vào hoàng cung rồi mà vẫn như thế à?

Tôi vẫn ôm mẹ, quay đầu lại phía sau, làm mặt khỉ với cô Thanh Mai khiến cô ấy vừa bực mình lại vừa buồn cười. Mẹ đỡ tôi rồi ngồi dậy, kéo ra sập gụ ngồi, rồi bảo:

– Nếu ta biết thế này, lúc trước đã dạy dỗ con cẩn thận hơn rồi. Hoàng cung không phải là chốn thông thường. Người ở trên cao thì có làm sai cũng không bị phạt. Thụy Bà Công chúa dù tốt nhưng cũng không thể che chở cho con được, hơn nữa so với người trong cung, đều là hoàng thân quốc thích, con đâu thể sánh được với quan hệ máu mủ ruột thịt đó.

Tôi thấy mẹ bảo vậy liền vội nói:

– Chẳng phải mẹ cũng là công chúa sao. Con là con của mẹ, vậy cũng là hoàng thân quốc thích rồi

Nói xong lại cười hì hì, ngó nghiêng lung tung. Mẹ vén nhẹ tóc mái tôi sang một bên rồi khẽ thở dài, nhỏ giọng:

– Chỉ e là vì ta mà con sẽ phải chịu thiệt thòi

Tôi ở lại phủ ăn cơm cùng mẹ rồi mới về. Người trong phủ đối với chúng tôi rất khép nép, tôi vốn vô tâm vô tư không để ý nhiều, sau này nghĩ lại mới biết thì ra đó là họ dè chừng chứ chẳng phải vì kính nể địa vị công chúa.

Lúc tôi trở về cung thì Thụy Bà công chúa đã đi nghỉ. Tôi vẫn chưa buồn ngủ nên ra phía sau tìm mấy cung nữ cho đỡ buồn thì nghe thấy tiếng nói chuyện:

– Cái cô công chúa Ứng Thụy này chẳng ra dáng công chúa chút nào. Chị xem này, áo quần gì mà bẩn thỉu, em giặt mãi mà không sạch

– Công chúa gì chứ, nghe nói công chúa Chiêu Thánh nhặt được trên núi nên đem nuôi thôi. Đúng là địa vị không thể che giấu nổi xuất thân tầm thường. Bây giờ còn đỡ đấy, hôm trước tôi nghe Xuân Lan chỗ quốc gia nói, hôm cô ấy mới vào cung, mặc cái áo nâu sẫm rõ quê mùa

Tôi không dám nghe tiếp, liền lặng lẽ rời đi trở về phòng của mình. Tôi úp mặt vào gối nhưng không hiểu sao nước mắt cứ trào ra. Họ nói tôi xuất thân tầm thường, gọi tôi quê mùa, tôi còn có thể chịu đựng được. Nhưng họ lại nói tôi là do mẹ nhặt được, không phải là do mẹ sinh ra khiến tôi thật đau lòng. Khóc một hồi rồi thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi tỉnh dậy thì đã gần trưa. Tôi soi mình trong gương thì thấy đôi mắt đỏ hoe, sưng húp lại. Lúc Thu Cúc nhìn thấy, liền giật mình hỏi:

– Công chúa, mắt công chúa bị sao vậy?

Tôi thấy hai cung nữ đang dọn bàn ăn khẽ liếc về phía mình liền nhoẻn cười đáp:

– Hôm qua về thăm mẹ, nên lúc tối có chút nhớ người

Cũng may, Thụy Bà công chúa đã đi từ sớm, các cung nữ cũng không dám nhiều lời với tôi. Tôi gượng gạo ăn bát cơm rồi đi dạo quanh cung. Thỉnh thoảng tôi lại gặp vài cung nữ, nhớ đến chuyện hôm qua, tôi lại cảm thấy như họ đang cười mình, nên cứ thế chạy đi. Đến lúc đứng lại mới biết mình bị lạc đường, đang đứng trên một chiếc cầu nhỏ, phía dưới là một ao sen. Tôi tựa vào thành cầu, nhìn bóng mình dưới nước, cứ thế để mặc cho nước mắt tuôn chảy.

Bỗng nhiên có người bước đến cạnh tôi. Tôi giật mình vội lau nước mắt, quay sang thì thấy Đông cung thái tử, đang nhìn xuống ao sen. Khuôn mặt chàng nhìn nghiêng không hiểu sao lại có chút tịch liêu. Được một lúc, chàng hỏi tôi trong khi vẫn nhìn xuống ao sen:

– Vì sao lại khóc?

Tôi bỗng thấy tủi thân, chẳng nói nên lời cứ thế đứng đó khóc nức nở. Lúc này chàng mới quay lại, chẳng nói chẳng rằng, đưa tay đỡ tôi dựa vào vai chàng. Tôi khóc được một lúc, cảm thấy tâm trạng khá hơn nhiều mới biết lúng túng rời ra nói:

– Ứng Thụy vô lễ, xin thái tử lượng thứ

Sau đó thấy chàng không nói gì, vẫn chăm chú nhìn mình, tôi đành nói:

– Hôm qua…Ứng Thụy đi thăm mẹ…nên…nên…vì nhớ mẹ…

– Công chúa Chiêu Thánh chắc hẳn rất yêu chiều nàng…

Tôi nghe chàng hỏi chuyện, liền thần người nhớ lại:

– Thực ra, mẹ chưa bao giờ chiều chuộng Ứng Thụy. Lúc thiếp còn nhỏ, thậm chí còn nghĩ không biết mình có phải là con của người không…

Nói đến đây, tôi có chút đau lòng. Thì ra tôi đúng là không phải con của mẹ.

– Đến khi thiếp 4 tuổi, một lần bị cảm thương hàn rất nặng, ai cũng bảo khó qua khỏi. Mẹ đã ôm thiếp suốt đêm khóc. Sau khi thiếp khỏi bệnh, mẹ vẫn giống như trước, nhưng thiếp biết người nửa đêm vẫn đến đắp lại chăn cho mình. Có người nói với thiếp, khi còn mẹ thì luôn oán trách mẹ vì thường bị trách phạt; đến lúc xa mẹ rồi mới biết đó là yêu thương. Thiếp nghĩ, mỗi người có một cách yêu thương riêng, và người mẹ nào cũng yêu con mình vậy…

Tôi nói đến đây thì tự an ủi mình. Nhặt được thì đã sao chứ, con nuôi thì đã sao chứ. Mẹ từ xưa đối với ai cũng lạnh như băng, nhưng tình cảm mẹ dành cho tôi chắc chắn là có. Tôi cảm nhận được chắc chắn là có. Đối với tôi, mẹ vẫn là người thân duy nhất, là mẹ của tôi. Tâm trạng tôi vì thế bỗng khá hơn rất nhiều, cảm thấy cuộc sống vẫn thật tươi đẹp. Nhìn sang thái tử, thấy chàng vẫn trầm ngâm, dưới ánh nắng chói chang ban trưa các hình thêu rồng phượng bằng kim tuyến trên thân áo chàng khiến người ta có cảm giác xung quanh chàng là ánh hào quang đang tỏa sáng. Tôi trông thấy cảnh ấy, cứ thế ngây ngốc đứng nhìn.

Chàng bỗng nhiên quay người lại, ánh mắt sáng ngời rồi bật cười nói:

– Thật tốt!

Tôi cảm thấy mờ mịt, có chút không hiểu. “Thật tốt” là ý gì chứ. Nhưng thấy chàng không để ý đến bộ dạng si mê nhìn chàng vừa nãy, tôi cũng liền ngó lơ đi. Bây giờ tôi mới có tâm trạng ngắm nhìn xung quanh. Khu vực này khá yên tĩnh, xung quanh có mấy cây nhãn chi chit quả. Một mùi thơm thoang thoảng xung quanh, tôi đưa mắt quan sát thì thấy có mấy khóm hoa bên cạnh ao sen, liền vội vàng chạy ra xem. Ngay bên bờ ao là mấy bụi cây nhỏ, lá xanh khá to, làm nổi bật những đóa hoa trắng muốt. Đứng từ xa đã thấy hương thơm thoang thoảng, lại gần mới phát hiện hương thơm này quả thật rất đặc biệt, tôi cứ thế hít lấy hít để còn lẩm bẩm tự hỏi:

– Không biết là hoa gì mà thơm quá

Tiếng chàng nhè nhẹ vang trong gió:

– Đấy là hoa dành dành

Nói xong lại tiếp:

– Không ngờ ao sen này cũng có cá

Tôi nhìn xuống ao sen thấy đúng là có một đàn cá vàng đang tung tăng bơi lội, đang hoan hỉ định reo lên thì thấy chàng trầm mặc. Tôi theo hướng chàng nhìn nhưng chẳng rõ chàng nhìn đi đâu, cũng chẳng dám nhiều lời, cứ thế lặng lẽ đứng bên cạnh chàng mà ngắm những bông hoa trắng thơm ngát kia, thầm nghĩ hoa đẹp thơm nhưng tại sao lại chẳng hợp với phong cảnh này – trông như những bông hoa dại. Được một lúc, chàng khẽ nói “Đến lúc về rồi”; nói xong liền xoay người bước đi. Tôi ở lại lâu hơn một chút, cũng không rõ là vì cái gì. Chỉ cảm thấy muốn đứng ở chỗ chàng đã đứng một lúc, nhìn về hướng chàng đã nhìn một hồi, nhưng mãi cũng không nghĩ ra chàng đang nhìn cái gì, chỉ thấy bóng một cung điện nguy nga phía xa xa, sau này mới biết thì ra đó là Thiên An Ngự Điện.

Đó là 3 ngày trước khi chàng được bệ hạ nhường ngôi.

Tháng hai, Nguyên Phong năm thứ 8, Hoàng thái tử Hoảng lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ nhất, xưng làm Nhân Hoàng; vua Thái Tông lui về Bắc Cung làm Thái Thượng Hoàng. (3)

____________________

(1) “Các điển tích về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn”

http://edu.go.vn/e-tap-chi/tin-bai/7/35/147/244/cac-dien-tich-ve-hung-dao-dai-vuong-tran-quoc-tuan.html : Năm 4,5 tuổi, Trần Hưng Đạo theo cha là Đức Khâm Minh Thái Vương (tức Trần Liễu) đi Ái châu, là nơi giam cầm trọng tội. Trưởng Công chúa Thuỵ Bà thương anh cả vô tội bị đầy, bèn năn nỉ anh kế là Thái Tông, xin nhận Trần Hưng Đạo làm con đem về Thăng Long nuôi dạy. Để tránh sự soi mói ghẻ lạnh của triều đình, Trần Hưng Đạo được trưởng công chúa Thuỵ Bà gửi tại chùa Phật Quang (làng Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây) nhờ trụ trì chùa dạy dỗ cho tới năm lên 10.

(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Sai Lê Phụ Trần, Chu Bác Lãm sang Nguyên.

lúc này, sứ Nguyên sang đòi lễ vật hằng năm, đòi tăng thêm tiến cống, lung tung không định. Vua sai Lê Phụ Trần đi sứ, lấy Bác Lãm làm phó. Cuối cùng qui định 3 năm một lần tiến cống, coi là thường lệ.

(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Ngọai truyện 1: [Trần Thái Tông]

Người ta vẫn nói nỗi sợ lớn nhất là phải chết. Vậy mà khi đánh giặc Nguyên ở Bình Lệ Nguyên (1), lúc phải đối mặt với thế giặc mạnh như nước lũ, cái ta sợ không phải là chết mà là nàng sẽ sống như thế nào sau khi ta chết đi.

Đã 20 năm rồi kể từ khi nàng thân chinh đến núi Yên Tử khuyên nhủ ta xa giá hồi cung (*). Cuối cùng lại thành ta trở về còn nàng ở lại. Trước lúc biệt ly, nàng đứng trước ta nở nụ cười đẹp nhất. Nhưng nàng không biết rằng, khi xe ngựa đi được một đoạn, ta đã quay lại và nhìn thấy nàng bật khóc. Nàng đã để ta phụ nàng chứ không muốn ta vì nàng mà phụ thiên hạ. Suốt 20 năm qua, nàng vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi của ta. Lời thề hẹn kiếp sau thành đôi phu thê sống một đời dân dã có lẽ sắp thành hiện thực.

Không biết là may hay rủi mà ta lại không hề hấn gì. Lê Tần đã hộ giá ta lui quân về mạn sông Lô (2) an toàn. Cuối cùng chúng ta phản công đánh thắng giặc ở Đông Bộ Đầu (3). Trong đêm khao quân thắng trận, ta hỏi Lê Tần muốn được ban thưởng gì. Hắn thì ra lại mong được ta ban gả nàng.

Ta cứ thế lặng thinh trước ba quân tướng sĩ. Cuối cùng, thái sư phải thay ta ca ngợi công lao của Lê Tần và hứa sẽ ban thưởng thích đáng. Đêm đó ta đã ngửa mặt lên trời mà than rằng “Ông trời hỡi ông trời, Trần Cảnh có tội lỗi gì mà lại khiến người bắt ta phải phụ nàng hết lần này đến lần khác.”

Linh Từ Quốc Mẫu (4) đích thân tới gặp ta. Bà ấy nói “quốc gia, ban gả Chiêu Thánh cho Phụ Trần chính là đã giúp Chiêu Thánh. Liệu người có thể ở đằng sau bao bọc cho Chiêu Thánh được bao lâu? Chẳng lẽ quốc gia để nàng ấy cả đời phải sống ẩn dật trên núi ư? Ta là mẹ của nàng ấy, lẽ nào ta lại không muốn nàng ấy được hạnh phúc. Mà hạnh phúc của người đàn bà là có chồng, có con để được nương tựa. Xin quốc gia hãy cân nhắc.” Ta những tưởng yêu nàng, để cho nàng sống yên ổn là đã mang lại hạnh phúc cho nàng. Thì ra, thứ hạnh phúc nàng cần, ta lại không thể cho nàng.

Khi nàng hồi cung, nhìn thấy đôi mắt sáng bừng của nàng, ta lại không biết phải làm thế nào để nói ra những lời tàn nhẫn ấy. Ta tự nhủ rằng Lê Tần là người vẹn toàn cả về tài năng lẫn nhân phẩm. Tấm chân tình của hắn dành cho nàng chỉ sợ là nhiều hơn chứ cũng chẳng kém gì ta. Nàng gả cho hắn ắt hẳn sẽ hạnh phúc. Vậy mà khi nàng hỏi lại ta “quốc gia, đây đích thực là ý chỉ của người?” bằng đôi mắt u buồn ấy, ta đã muốn vứt bỏ tất cả. Ngai vàng có nghĩa lý gì khi ngay cả người vợ mà ta yêu thương nhất cũng không thể giữ lại bên mình, thậm chí phải tự tay trao nàng cho người khác. Nhưng chỉ đến lúc nàng lên xe hoa, nhìn về phía ta lần cuối, ta mới nhận ra, có lẽ…ta đã sai rồi…

_____________________

(*) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 – năm 1237. Trần Thái Tông lập công chúa Thuận Thiên, vợ của Hoài Vương Liễu (tức Trần Liễu, anh trai vua) làm hoàng hậu. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Trần Thái Tông vì việc này ban đêm đã rời cung đến núi Yên Tử. Trần Thủ Độ đưa quân tới khuyên nhủ vua hồi cung, mãi sau này vua mới về

(1) Bình Lệ Nguyên: Một vùng đất thời Trần, nay thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Là nơi đầu tiên diễn ra trận đánh với quân Nguyên

(2) Sông Lô: Phía bên trái sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy vào Việt Nam tại tỉnh Hà Giang

(3) Đông Bộ Đầu: Có thể là chùa Hòe Nhai, Hà Nội-được coi là cửa ngõ của thành Thăng Long. Đây là nơi vua quân nhà Trần đã đánh thắng quân Nguyên lần thứ nhất – năm 1258

(4) Linh Từ Quốc Mẫu: là hiệu vua Trần Thái Tông ban cho Trần Thị Dung (cô ruột vua Trần Thái Tông, chị họ Trần Thủ Độ), đồng thời là hoàng hậu cuối cùng triều Lý (mẹ của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên) và sau này là vơ của thái sư Trần Thủ Độ

Chương 3: Gặp mặt (2)

Tôi ở trong phủ của Thụy Bà công chúa đã được một tuần. Hai hôm trước là hôn lễ của mẹ với ngự sử đại phu. Không biết bởi vì quan gia coi trọng mẹ hay coi trọng ngự sử đại phu mà đám cưới rất long trọng. Dù không làm ồn ào, không có nhiều người tham dự nhưng đồ sính lễ và của hồi môn đều rất quý giá. Nhưng mẹ lại chẳng thèm nhìn đám lễ vật ấy. Tất cả đều cho cô Thanh Mai thu nhận. Trước khi đi, mẹ tháo chiếc vòng ngọc của mình rồi tự tay đeo cho tôi. Tôi biết chiếc vòng này rất quý giá với mẹ vì nhiều lần đã thấy mẹ nâng niu nên tỏ ý không dám nhận. Mẹ thấy vậy liền nói:

– Vật quý là bởi tấm lòng người tặng. Chiếc vòng này đối với ta không còn giá trị nữa nhưng là vật gần gũi với ta nhất nhiều năm qua. Giờ để lại cho con, những ngày sau này coi như ta vẫn ở bên con vậy.

Thấy mẹ nói vậy nên tôi đành nhận lấy. Lúc mẹ lên xe, tôi thấy mẹ khẽ run người, nhìn xa xăm về phía trước, đôi mắt tràn đầy ý hận. Tôi chờ đến khi xe rước dâu đi hẳn mới quay đầu lại thì thấy quốc gia đứng đằng xa. Tôi lại gần chào người một tiếng nhưng người lơ đãng không đáp. Vị quan thái giám đi cùng người liền phẩy tay ra hiệu bảo tôi lui đi. Tôi gập người rồi trở về phủ Thụy Bà công chúa. Lúc ngoảnh đầu lại vẫn thấy quốc gia đứng yên chỗ cũ. Cũng chẳng rõ là người đang chờ đợi điều gì nữa.

Thụy Bà Công chúa đối xử với tôi rất tốt. Người chưa kết hôn, lại không có con cái nên đối với tôi hết mực yêu chiều. Hơn nữa, trong cung mọi thứ đều mới lạ, nên tôi nhanh chóng không còn cảm giác nhớ mẹ. Chỉ là có đôi lúc nhớ anh Trí – nếu anh ấy ở đây chắc chắn chúng tôi sẽ có rất nhiều trò vui để chơi.

Vừa mới tỉnh dậy, tôi đã lẻn ra ngoài chơi. Trong hoàng cung có rất nhiều cây ăn quả, không giống với chùa Vân Tiêu toàn thông với trúc. Mặc dù Thụy Bà công chúa và Thu Cúc, a hoàn riêng của tôi đều dặn phải chú ý lễ nghi nhưng nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi chẳng kiêng dè xiêm áo, cứ thế là trèo lên cây me gần đấy. Sau khi ăn mấy quả me chua loét, tôi bứt thêm vài quả để dành rồi trèo xuống, qua cầu đi về phía hồ bên. Vừa đi tôi vừa nghĩ, không biết khi nhìn bộ dạng tôi lúc này – áo quần xộc xệch lại nhơ nhác, tóc tai thì rối bời mọi người sẽ nghĩ thế nào. Nghĩ đến đấy tôi lại cười phá lên.

– Ngươi là ai?

Giật mình vì tiếng người lạ, tôi ngước nhìn lên thì thấy một người con trai trạc mười bảy tuổi mặc áo tiêu kim tử phụng (1) đang nghiêm nghị đứng trước mặt. Người này mặt trông mũi khôi ngô, toát ra khí chất phi phàm. Nhưng tôi nhìn thế nào cũng thấy anh ta đang nín cười, làm bộ dọa nạt mình. Vì thế, tôi chẳng chút run sợ gì, hỏi lại:

– Ta là ta. Ngươi là ai?

Người đó sững lại tỏ vẻ khá ngạc nhiên rồi cười phá lên:

– Nha đầu to gan, ngươi là a hoàn của ai?

Tôi hừ nhẹ một cái rồi nói:

– Hừ, ai là nha đầu của ngươi, ngươi to gan thì có

Hắn ta nghe vậy, mắt tràn ngập ý cười đáp trả:

– Đúng là vẫn chưa là người của ta thật

Hai má tôi nóng ran lan vì tức giận. Mặc dù mới tới hoàng cung nhưng dù sao tôi cũng là một công chúa. Hắn ta không biết là ai mà lại dám ăn nói như vậy. Mắt tôi trợn lên, môi bặm lại đinh lên tiếng mắng trả thì thấy có người đi tới.

– Quang Khải, thì ra chú ở đây

Tôi nhìn về phía tiếng nói thì thấy một người đang bước tới. Người này mặc áo xanh nhạt, thần thái cũng phi phàm, nét mặt lại có vài điểm giống với người kia nhưng trông ôn nhu hơn. Nụ cười người đó thanh như gió, ánh mắt lại thuận như mây, khiến tôi cứ thế ngây ngốc đứng nhìn.

Mãi một lúc sau, khi cảm giác người ấy vừa nhìn tôi lại vừa cười, tôi đỏ mặt luống cuống hỏi:

– Các người…các người là…ai? Sao lại ở đây?

Cái người đáng ghét hình như tên là Khải kia đang thần người ra nghe thấy tôi hỏi liền quay ra hừ nhẹ:

– Thấy Đông cung thái tử còn không hành lễ?

Đông cung thái tử, phải chăng là hoảng tử Trần Hoảng ư. Tôi chưa kịp sợ thì đã nghe thấy giọng người ấy:

– Chẳng mấy khi thấy chú ba tức giận như vậy. Nếu không phải vừa nãy thấy chú nhìn cô bé này như thế, ta quả thật đã nghĩ chú đang tức giận thay ta cơ đấy.

Đầu tôi vang lên một tiếng “chết thật rồi, gọi như vậy thì người kia chắc hẳn cũng là hoàng tử rồi, nếu tôi không nhầm thì công chúa Thụy Bà có nói rằng hoàng tử thứ 3 là Trần Quang Khải”. Mọi người vẫn dặn tôi phải để ý lễ nghi trong cung, vậy mà mới vào cung được hơn 1 tuần, tôi đã đắc tội lớn với 2 vị hoàng tử rôi.

Không biết có phải nét mặt tôi tái mét đầy vẻ sợ sệt hay không mà tên hoàng tử Quang Khải kia thoáng nhìn tôi rồi quay lại cười cười với Đông cung thái tử:

– Anh hai à, anh lại đùa rồi. Tiểu nha đầu này có vẻ mới vào cung, bị lạc đường. Hồi nãy đứng đây trông rất đáng thương. Mắng thì cũng đã mắng rồi, anh tha cho cô ta đi được không.

Tôi len lén nhìn cái tên mà tôi vừa cho là đáng ghét lúc nãy thầm cảm ơn, thật không ngờ hắn còn nói hộ cho tôi nữa; sau đó lại len lén nhìn Đông cung thái tử. Chàng thấy tôi sợ sệt nhìn lén chàng, liền cười hỏi:

– Ngươi ở cung nào?

– Dạ, ở trong cung Thụy Bà công chúa ạ

Tôi vừa nói vừa vặn vẹo mấy quả me được buộc trong chiếc khăn tay. Hoàng tử Khải chợt hỏi:

– Cái gì ở trong khăn tay kia?

Tôi hơi ngượng ngùng đáp:

– Dạ…là quả me ạ

– Me? Me ở đâu ra?

Tôi thầm tức trong bụng “hừ cái tên hoàng tử Khải này, me không ở trên cây thì ở đâu ra”, nghĩ thế nào lời nói ra lại y như thế:

– Me không ở trên cây thì ở đâu ra

Nói xong mới biết là mình lỡ lời, ai ngờ lại thấy hai vị hoàng tử cùng cười phá lên. Tôi trong lòng phẫn uất, lại không làm gì được, mặt đã phiếm hồng, mắt đã hơi ươn ướt, Đông cung thái tử trông thế liền quay sang nói:

– Nhân tiện ta cũng đang định sang thăm Thụy Bà công chúa, để ta đưa ngươi về

Hoàng tử Quang Khải thấy thế cũng nói:

– Vậy để em đi cùng với anh hai

Trong lòng tôi thực sự không hề cảm thấy thoải mái trước sự “áp giải” của hai vị hoàng tử này, nhưng lại không thể kháng ý, đành lũi cũi bước đi theo.

Được một lúc tên hoàng tử Quang Khải đi chậm lại chờ tôi rồi hỏi:

– Ngươi tên là gì?

Tôi hơi giật mình nhưng cũng hồi đáp:

– Da,…Ngọc Khuê ạ

Đông cung thái tử nghe thế liền hỏi lại:

– Nghe nói cung của công chúa Thụy Bà mới có Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê, ngươi đã gặp qua chưa?

Tôi cắn cắn môi nghĩ “bây giờ thì hay ho rồi, bộ dạng thế này mà nhận là công chúa chỉ e là sẽ làm mất mặt công chúa Thụy Bà”, nhưng rồi vẫn phải trả lời:

– Da, em chính là Ứng Thụy công chúa. Để hai vị hoàng tử phải cười chê rồi ạ

Chương 2: Hồi cung (2)

Tôi đã chợp mắt trên suốt chặng đường hồi cung. Chỉ đến khi vào thành Đại La (1), tiếng ồn ào bên ngoài mới làm tôi tỉnh giấc. Vì xe ngựa chạy khá nhanh nên tôi không có dịp quan sát kỹ bên ngoài, chỉ thấy xe đi đến đâu thì người đi lại trên đường tránh gọn sang một bên. Hàng quán, nhà cửa san sát nhau không giống như vùng Yên Tử nơi tôi ở, cả quả đồi có khi chỉ có vài người ở. Lúc vào tới cung điện thì trời đã nhá nhem tối, tôi còn đang bị choáng ngợp bởi sự nguy nga lộng lẫy của cung điện thì đã có tiếng hô “Quốc gia tới.” Tôi cùng mọi người cúi rạp hành lễ với quốc gia, đến khi được đứng dậy mới dám len lén nhìn trộm người. Quốc gia mặc áo long bào, mang giày hắc liễu. Mặc dù là người đứng đầu thiên hạ lại không mang dáng vẻ uy hiếp người khác, thậm chí có chút thanh tịnh giống như sư thầy trụ trì chùa Vân Tiêu. Lúc người trông thấy tôi thì khẽ ngẩn người ra, sau đó thì quay sang nói với mẹ tôi:

– Đứa trẻ này có phần giống nàng

Trong khi tôi còn đang nghĩ “tôi là con của mẹ, dĩ nhiên phải giống mẹ rồi” thì mẹ đã nói:

– Tâm An còn nhỏ tuổi, từ nhỏ đã sống ở bên ngoài cùng thần thiếp, đối với phép tắc trong cung còn chưa được rèn giũa, xin quốc gia giơ cao đánh khẽ

– Nhiều năm qua, nàng sống…có ổn không?

– Nhờ hồng ân của quốc gia, thần thiếp sống vẫn no đủ, mượn cửa Phật để tu tâm, những chuyện đau buồn trước kia đã không còn giằn vặt như trước nữa

– Nếu vậy…thì ta cũng yên tâm

Quốc gia trầm mặc một hồi, sau cho người dẫn tôi đi sửa soạn. Tôi không dám trái lệnh, vội vã cùng hai cung nữ lui ra.

Hai người cung nữ này tuổi chừng mười tám đôi mươi. Nhìn dáng vẻ yểu điệu thướt tha quần là áo lượt của họ mà tôi thấy rầu rĩ cho cái dáng vẻ của mình. Vì hồi cung gấp nên tôi chưa kịp thay đồ, vẫn mặc bộ đồ hàng ngày màu nâu sẫm, tóc cột hai bên, trông không hề ra dáng thiếu nữ mười lăm tuổi.

Hai người cung nữ dẫn tôi tới một gian phòng khá lớn, sau đó đưa tôi đi tắm. Sau khi khoác lên mình bộ áo lụa màu hồng nhạt, tôi mới thấy thấm thía câu nói “người đẹp vì lụa” của người xưa. Lúc còn ở chùa Vân Tiêu, mặc dù vải vóc lụa là vẫn được gửi đều đặn nhưng để tiện cho việc đi lại và nghịch ngợm của tôi, cô Thanh Mai chỉ cho tôi mặc những trang phục đơn giản và màu sắc tối. Bây giờ nhìn mình trong bộ váy tứ thân này, tôi thấy có phần không quen. Trong lúc hai cung nữ giúp tôi lau khô tóc thì mẹ và cô Thanh Mai bước vào. Nhìn thấy họ từ trong gương, tôi mừng rỡ chạy ra gọi “mẹ.” Cô Thanh Mai thấy vậy bảo tôi:

– Tiểu thư lau tóc cho khô đã

Tôi chần chừ không dám bước tiếp vì thấy mắt mẹ đỏ hoe. Suốt mười lăm năm qua, đây là lần thứ hai tôi thấy mẹ khóc. Lần đầu tiên là lúc tôi bốn tuổi, mẹ khóc khi tôi nằm trên giường bệnh tưởng không qua khỏi. Trong tâm trí của tôi, mẹ là người điềm tĩnh, thậm chí có phần lạnh lùng. Nhìn thấy dáng vẻ thế này của mẹ, tôi cảm thấy trong lòng sợ hãi, bất an.

Trên bàn đã bày la liệt đồ ăn nhưng tôi chẳng có tâm trạng để ăn. Mẹ lúc này đã thay bộ áo lụa màu xanh lục, tóc không búi cao mà để xõa nên có phần trẻ ra. Mẹ vẫn chậm rãi ăn, nhưng ánh mắt mẹ khiến tôi có cảm giác gai người. Đôi mắt lãnh đạm trước kia chỉ khiến người khác cảm thấy khó gần, không có cảm giác thê lương như lúc này.

Ăn uống xong, mẹ cho người lui ra hết, chỉ giữ lại cô Thanh Mai. Mẹ nhìn tôi một lúc, thở dài rồi nói:

– Tâm An, lần này hồi cung, e rằng không phải mọi chuyện đều tốt đẹp. Mai này, con phải tự biết chăm sóc bản thân. Một mình ở trong cung nhớ phải cẩn thận, cái gì cần tránh là phải tránh, không thể tùy tiện như trước được

– Mẹ, sao lại một mình con ở trong cung? Vậy mẹ đi đâu?

Nghe tôi hỏi vậy, mẹ liền nhắm mắt lại, hít vào một hơi rồi nói:

– Quốc gia cho gả ta đi

– Sao quốc gia lại gả mẹ đi? Mà gả cho ai? Sao con lại không được đi cùng mẹ? Con muốn đi cùng mẹ, huhu…con muốn đi cùng mẹ…Chẳng lẽ dượng lại không thích con?

– Có những chuyện con biết nhiều quá cũng không tốt. Có nhớ người hàng tháng vẫn mang đồ đến cho chúng ta ở chùa Vân Tiêu hay không? Đó là Ngự Sử Đại Phu Lê Phụ Trần (2). Quốc gia gả ta cho người đó.

– Nếu là ông ấy thì tại sao lại không cho con ở cùng mẹ. Ông ấy trông hiền lành vậy mà thật xấu xa

– Tâm An, không được nói bừa. Giữ con lại trong cung là ý của quốc gia, không liên quan gì đến ông ấy.

– Sao quốc gia lại giữ con lại chứ, con không chịu đâu, không chịu đâu…

– Sau này con vẫn có thể tới thăm mẹ được. Nếu biết có ngày này, năm xưa có lẽ…

Mẹ nói đến đây thì dừng lại, nhìn tôi một lúc rồi lại thở dài:

– Có lẽ là số trời. Ta chỉ mong con có thể sống vui vẻ.

Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Vẫn biết mẹ có nhiều chuyện giấu tôi. Giống như năm tôi bốn tuổi người ôm tôi khóc gọi Vịnh nhi (3), sau này tôi hỏi mẹ Vinh nhi là ai thì người lại không nói. Hay chuyện mỗi lần người gọi là ngự sử đại phu đó tới, tôi đều phải tránh đi. Nhưng trong thâm tâm tôi, mẹ là người thân duy nhất. Khi còn ở chùa Vân Tiêu, tôi vẫn thường tự an ủi mình, mẹ có chút lạnh lùng nhưng mình vẫn là có mẹ. Bây giờ phải sống xa bà, tôi có khác nào đứa trẻ mồ côi đâu. Nghĩ đến đây tôi lại cảm thấy tủi thân, muốn khóc.

Sáng hôm sau thì thánh chỉ của quốc gia tới. Người chỉ hôn mẹ tôi – Chiêu Thánh công chúa với Ngự Sử Đại Phu Lệ Phụ Trần, rồi đổi tên tôi là Ngọc Khuê, phong là Ứng Thụy công chúa (4), giao cho Thụy Bà công chúa (5) chăm sóc. Đó là mùa xuân Nguyên Phong năm thứ 8. Khi đó, tôi được 15 tuổi.

_______________________

(1) Đại La: Tên gọi vòng ngoài (nơi ở của dân chúng) của kinh thành Thăng Long thời Trần (ĐVSKTT)

(2) Lê Phụ Trần: Tức Lê Tần, hậu duệ của Lê Đại Hành. Là tướng trung thành dưới thời Trần

(3) Trần Vịnh: Con của Trần Thái Tông và Chiêu Thánh, chết ngay khi mới sinh ra. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 – Hoàng thái tử Trịnh (con của Trần Thái Tông và Chiêu Thánh) mất

(4) Ứng Thụy Công Chúa Ngọc Khuê: Con của Lý Chiêu Hoàng và Lê Phụ Trần. Có chỗ ghi là Kiều Thụy Công Chúa Minh Khuê

(5) Thụy Bà Công Chúa: Tức công chúa trưởng – chị ruột vua Trần Thái Tông

Chương 1: Chùa Vân Tiêu (2)

Tôi gẩy gẩy hạt cơm trong bát, nhưng vừa ngước mắt lên thì bắt gặp ánh mắt cô Thanh Mai đang chăm chú nhìn mình liền nén tiếng thở dài, ngồi ngay ngắn lại ăn cơm. Bữa cơm hôm nay vẫn yên tĩnh như mọi ngày, chỉ khác một chỗ là nó quá ngột ngạt. Tôi và cô Thanh Mai đều không tập trung, chỉ có mẹ là vẫn điềm tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Tôi khẽ liếc mắt nhìn mẹ, thấy ánh mắt mẹ giống như một lớp sương mù che phủ không thể nhìn thấu bên trong.

Hôm nay là ngày rằm, mà ngày rằm hàng tháng vào giờ Thìn là người đó lại đến, mang cho chúng tôi ba thùng hàng, có lương khô, rau củ, gạo muối, đồ dùng lặt vặt, đôi khi vài xấp vải và hương liệu. Vậy mà đã ba tháng nay không thấy người đó lại. Bây giờ cũng đã quá trưa rồi.

Ấn tượng của tôi đối với người đàn ông trung niên hiền lành đó không có nhiều. Nhưng kể từ lúc tôi bắt đầu nhớ được thì tháng nào cũng trông thấy ông. Mỗi lần khi tiếng chuông gõ mõ cất lên, là ông ấy cùng vài ba người hầu đã ở ngoài cửa. Cô Thanh Mai bao giờ cũng ra tận cửa đón ông, sau đó đưa mấy người hầu đặt thùng hàng vào bếp. Tôi thời gian đầu chỉ biết mở to mắt ra nhìn, nhưng ông ấy đứng đó lại chẳng để tôi vào mắt. Tôi theo ánh mắt ông ấy nhìn liền quay về phía mẹ. Mẹ thì thủng thỉnh uống trà, coi việc ông ấy đứng đấy không có liên quan gì tới mình. Một lúc sau, cô Thanh Mai chạy lại đưa tôi ra ngoài, để lại mẹ và ông ấy. Sau này, mỗi lần ông ấy đến, tôi lại chào hỏi lấy lệ rồi chạy ra ngoài tìm anh Trí, chờ đến khi cô Thanh Mai gọi mới về. Trong mười mấy năm, chưa lần nào ông ấy đến muộn, lần nào đến cũng vẫn là nghi thức đấy. Bây giờ kinh tụng cũng đã sắp xong mà chẳng thấy bóng dáng người đâu. Tôi bỗng nhiên có chút lo lắng, không còn sốt ruột muốn ra ngoài tìm anh Trí chơi thả diều nữa.

Đột nhiên ngoài cửa có tiếng xôn xao, cô Thanh Mai vội vàng chạy ra. Tôi liền thu dọn bàn ăn, thỉnh thoảng len lén nhìn mẹ, chỉ thấy mẹ khẽ nhắm mắt không rõ là suy tư chuyện gì. Trong lúc tôi còn đang phân vân không biết có nên đi hay không thì cô Thanh Mai và một vị quan mình mang áo thêu hoa gấm, đầu đội mũ Phốc đen uy nghi đã ở ngay cửa. Tôi còn chưa kịp hành lễ thì ông ấy đã hướng về phía mẹ tôi cúi đầu rồi dõng dạc nói:

– Quốc gia (1) có chỉ, mời công chúa hồi cung

Đầu tôi vang lên một tiếng. Làm con mười lăm năm nay, đến giờ phút này tôi mới biết mẹ mình là một công chúa. Chẳng trách dù chúng tôi sống trong chùa, lại ở vùng núi cao thế này mà vẫn no đủ.

– Thần thiếp xin lĩnh chỉ

Tiếng mẹ tôi đều đều cất lên, tôi nhìn sang mẹ đang được cô Thanh Mai đỡ lên vẫn còn cảm thấy hoa mắt trước đôi mắt long lanh không giấu nổi niềm vui sướng của người. Thì ra mẹ cũng có thể vui mừng như vậy.

Trong lúc những người hầu của tùy đoàn thu dọn hành lý, mẹ bảo tôi cùng cô Thanh Mai đi gặp sư thầy cáo biệt. Tôi khoác cánh tay mẹ, đi bộ về phía điện thờ chính. Đi trên con đường đất sỏi gồ ghề nhiều lần đã khiến tôi vấp ngã này lại khiến cảm giác háo hức vì sắp được rời khỏi rừng núi của tôi chùng xuống, bước chân vì thế cũng đi chậm lại. Góc tùng đằng kia là nơi mà tôi và anh Trí vẫn hay chơi bắn bi hồi khoảng bảy, tám tuối. Xa xa là cây hoa đại chúng tôi vẫn thường bám lên đu, có lần sư thầy bắt được liền phạt anh Trí lau tượng một tuần. Khối đá lớn bên cạnh cũng là nơi tôi lần đầu gặp anh Trí, khi anh ấy đang ngồi khóc vì bị bố mẹ đưa lên chùa đi tu do nhà quá nghèo không nuôi nổi. Hóa ra đã tám năm rồi.

Lúc chúng tôi bước vào điện thờ chính thì buổi lễ tụng kinh cũng vừa mới xong, sư thầy mời mẹ tôi ngồi uống trà, rồi lại quay sang tôi hỏi đã chào tạm biệt Pháp Trí chưa. Tôi hơi xấu hổ, lí nhí đáp “dạ chưa” rồi xin phép đi tìm PhápTrí. Pháp Trí thực ra là pháp danh của anh Trí. Vì chúng tôi chỉ chênh nhau một tuổi, lại hay bày trò chơi cùng nhau nên để thuận tiện, khi không có ai tôi vẫn gọi là anh Trí.

Tôi vừa bước ra khỏi điện thờ đã thấy anh Trí chạy lại hỏi:

– Tâm An, nghe nói cả nhà cô phải đi. Cô đi đâu? Bao giờ thì về?

Tôi liếc thấy có vài sư sãi đang từ điện thờ bước ra liền khoanh tay nghiêm chỉnh nói:

– Thưa chú, con cũng không rõ. Sợ là lần này đi là đi hẳn

Anh Trí hơi sững người lại, không rõ vì bộ dạng nghiêm túc hay vì câu nói “đi là đi hẳn” của tôi. Tôi thấy anh ấy cứ im lặng như thế, thấy không thoải mái liền nói:

– Từ giờ đến lúc thụ giới chỉ còn bốn năm nữa thôi, chú cố gắng tu học để được thành thầy

Anh Trí nhìn tôi, giọng hơi nghẹn lại nói

– Đi đường…bình an nhé

Tôi nghe anh ấy nói thế bỗng chốc thấy khóe mắt cay cay, nhưng chưa kịp nói gì thì mẹ và cô Thanh Mai đã chào sư thầy xong, vừa bước ra khỏi điện. Đến lúc tôi ra khỏi sân điện chính, ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy anh Trí đứng đó, tà áo nâu sẫm bị gió thổi dán vào thân ảnh gầy guộc trông lại càng lẻ loi.

Khi chúng tôi về đến gian phòng thì đồ đạc đã được chất hết lên xe. Mặc dù chúng tôi ở đây đã mười mấy năm trời nhưng đồ đạc cũng không có nhiều, chỉ đủ vừa chất đầy một xe ngựa. Cả ba người chúng tôi ngồi lên một chiếc xe ngựa khác, từ từ rời núi. Đoạn đường đồi núi có hơi dốc nhưng người lái xe ngựa khá vững tay nên xe chạy vẫn nhẹ nhàng, tôi vén nhẹ tấm rèm cửa nhìn ra ngoài. Chúng tôi đang ở chưng lừng đồi phía Tây dãy Yên Tử, đối diện là dãy núi phía Đông đứng sừng sững, bao phủ bởi mây bay uốn lượn. Đỉnh tháp chùa Vân Tiêu (2) lẫn giữa đám Tùng, Bách chẳng mấy chốc đã khuất bóng. Nơi đây đã là nhà của tôi trong suốt mười lăm năm qua. Sau này, không biết liệu có còn được trở lại đây không…

_____________________

(1) Quốc gia: Cách gọi vua dưới thời Trần Thái Tông http://trantrongduong.blogspot.com/2012/06/tu-nguyen-cua-nha-quan-nha-nuoc-nha-vua.html

(2) Lê Thái Dũng. “Có hay không lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng.”http://bee.net.vn/channel/1984/201012/Co-hay-khong-le-cuoi-cua-Ly-Chieu-Hoang-1783969/ : Có thuyết khác nói Lý Chiêu Hoàng tu tại chùa Vân Tiêu nằm trên sườn núi phía tây Yên Tử lấy pháp danh là Vô Huyền, cho đến khi triều đình gả bà cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần)

Chương 1.4: Nguyễn Cầm (1)

Thành Đông Kinh phiên chợ sáng đã nhộn nhịp người. Khi xe ngựa đi gần tới bờ sông Lô Nhị, các cửa hàng cửa hiệu của người Tây đã lác đác người đi lại. Thả tấm rèm xuống, tôi dựa hẳn người vào chiếc đệm êm, nhìn sang Thanh Hà trong trang phục nam tử đang lim dim mắt, tôi bỗng nhớ lại mới hôm qua còn ở bên phụ hoàng…

– Phụ hoàng, người có nhớ vị tú tài mấy hôm trước vào cung Khánh Thụy thưởng nhạc cùng người không?

– Con đang nói đến Nguyễn Du, đang tập ấm chức Chánh thủ à?

– Dạ vâng. Con đã rất thích tiếng đàn của người này. Cây đàn của vị Tú tài này còn rất đặc biệt nữa. Nếu có chiếc đàn quý như vậy, con sẽ tặng phụ hoàng một tấu khúc trong dịp Trung Thu năm nay

– Nếu biết con thích chiếc đàn đó đến vậy, ta đã hỏi mua lại cho con rồi. Quan Chánh Thủ hôm đó có nói đang trên đường về quê Hà Tĩnh giỗ tổ. Chờ sang tháng ta sẽ cho người đến hỏi mua đàn cho con

– Phụ hoàng, nếu thế thì e là muộn mất rồi. Con muốn có chiếc đàn đó càng sớm càng tốt để tập luyện. Con định sẽ chơi tấu khúc mới người vừa soạn

– Nếu vậy chỉ có cách cho người đi Hà Tĩnh gặp quan Chánh thủ rồi. Nhưng Ngọc Hân à, cách này không được hay lắm. Đã ép người ta bán đàn rồi lại đến tận quê nơi người ta giỗ tổ để làm việc này e là…

– Phụ hoàng, người không nên làm thế. Dù sao người cũng là một vị vua hiền từ, không thể vì con mà khiến bá tánh chê trách người được

– Hà hà, con nghĩ được vậy là tốt rồi

– Con có cách này hay hơn phụ hoàng ạ

– …

– Nghe nói phụ thân của quan Chánh thủ trước là Thượng thư Bộ hộ, có nhiều công lớn với triều đình nên được truy phong là Thượng đẳng phúc thần (1). Phụ hoàng để con đi Hà Tĩnh thắp hương cho ông ấy, nhân tiện gặp quan Chánh thủ nói về chuyện cây đàn. Như vậy chắc sẽ hợp tình hợp lý hơn nhiều

– Không được. Con là công chúa, đâu thể tùy tiện ra ngoài được

– Phụ hoàng, chẳng phải người vẫn nói con còn hơn các hoàng tử khác sao. Con có thể cải trang thành nam nhi. Phụ hoàng, người cũng biết Thanh Hà võ nghệ giỏi giang thế nào rồi. Để chị ấy đi với con thì đâu có gì phải lo nữa

– Dù thế nào cũng không được. Ta không yên tâm để con đi như vậy

– Nếu phụ hoàng nói vậy thì con phải nghe thôi. Con đã nghĩ phụ hoàng sẽ thích nếu con chơi tấu khúc của người bằng chiếc đàn đó…

-…

– Từ trước tới nay các hoàng tử vẫn ra ngoài vi hành cũng có sao đâu. Chỉ tại con là công chúa…

-…

– Phụ hoàng, con xin phép cáo lui…

– Umh…Con biết là ta chưa bao giờ từ chối con điều gì mà. Thôi được rồi, ta để con đi. Nhưng con phải hứa với ta là không được gây chuyện, đi sớm về sớm

– Tạ ơn phụ hoàng. Con nhất định sẽ làm người thật vui mà

Nghĩ đến đây tôi lại khẽ mỉm cười. Phụ hoàng đúng là yêu thương tôi, lần này đi lấy việc mua đàn làm cớ, nhưng chắc chắn sẽ không để phụ hoàng phải thất vọng. Nếu tôi tính không nhầm, dù xuất phát chậm hơn Nguyễn Ánh ngày rưỡi nhưng tôi lại có ngựa tốt, thuyền tốt, chắc chắn sẽ đi nhanh hơn anh ta. Đến Hà Tĩnh gặp quan Chánh thủ và sư phụ giáo phái Nhất Nam trước rồi đến Nam Đàn, Nghệ An nơi Lạp Phong cư sĩ Nguyễn Thiếp cư ngụ để tìm Nguyễn Ánh cũng không muộn.

Lúc tôi đến đầu làng Tiên Điền, hỏi thăm nhà của Thường đẳng phúc thần, một ông lão nông dân tốt bụng đã đích thân dẫn chúng tôi đến tận nơi. Đứng từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng người cười nói râm ran, tôi gọi một người hầu, nhờ nhắn với quan Chánh Thủ là có người đánh đàn ở Khánh Thụy tới muốn gặp. Chưa đầy ba phút sau đã thấy Nguyễn Du vội vàng đi ra.

Nguyễn Du mơ hồ nhìn tôi, tôi liền vội đưa thẻ bài vua cha giao cho rồi nói:

– Đã làm phiền quan Chánh Thủ rồi. Bệ hạ sai tôi tới thắp nén nhang cho Thượng đẳng phúc thần. Phiền ngài nói với người trong nhà rằng tôi là một người bạn từ ngoài thành Thăng Long vào.

Nguyễn Du làm y như lời tôi dặn, chờ sau khi tôi thắp hương xong thì dẫn vào thư phòng, vừa rót trà vừa nói:

– Công chúa đi từ xa đến đây chắc không phải chỉ vì thắp nhang cho phụ thân thần?

Tôi nghe vậy bỗng thấy giật mình, hỏi lại:

– Quan Chánh Thủ nhận ra tôi từ lúc nào? Trông tôi chẳng lẽ không giống bậc nam nhân ư?

– Công chúa đừng lo, sẽ không có ai nhận ra người là nữ nhân được đâu. Thần đã có dịp diện kiến công chúa mà cũng phải mãi vừa nãy mới nhận ra

Tôi thở phào một cái, ngấp một ngụm trà, sau đó mới từ tốn nói:

– Không giấu quan Chánh Thủ, từ lúc nghe ngài chơi đàn trong cung, tôi và vua cha đều rất hứng thú với cây Nguyễn cầm của ngài, nhân dịp trong cung sắp có lễ hội rằm tháng tám, muốn hỏi ngài tìm giúp cho một cây đàn tốt như thế. Thực ra đến tận đây là bất đắc dĩ, nhưng ngài cũng biết đấy, rằm tháng tám cũng chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến rồi, thời gian chuẩn bị cũng cần khá nhiều…

Nguyễn Du trầm ngâm một lúc mới nói:

– Chiếc đàn Nguyễn Cầm này được công chúa nhìn trúng tức là nó đã có duyên với công chúa, vậy xin được tặng lại công chúa

– Ấy chết, như thế đâu có được. Tôi nhìn quan Chánh Thủ chơi đàn là đã biết ngài nâng niu báu vật này nhường nào rồi

– Thú thật với công chúa, chiếc đàn này không phải là của thần. Trước đó, chủ nhân của chiếc đàn này đã tặng nó cho thần vì tri ân của thần với tiếng đàn. Nay thần cũng xin tặng lại cho công chúa vì tri ân của công chúa với tiếng đàn. Chi xin công chúa cho đàn một bản chiếc khi ly biệt

– Nếu quan Chánh Thủ đã nói vây, tôi cũng không khiên ép nữa. Xin đa tạ quan Chánh Thủ

Ngón tay Nguyễn Du nhẹ nhàng gẩy từng dây đàn, âm thanh thánh thót dịu dàng vang lên. Tôi thấy bản nhạc hay quá, liền hỏi Nguyễn Du tên bài nhạc thì mới được biết đây là một khúc quan họ tên là “Chuông vàng gác cửa tam qua.” hay còn gọi là Giã bạn còn duyên. Nguyễn Du thấy tôi có vẻ thích thú với bài nhạc liền chơi lại một lần để tôi nhẩm cho thuộc. Tôi dự tính sau khi hồi cung sẽ tập lại bài nhạc này cho phụ hoàng nghe, chỉ không ngờ tôi và Nguyễn Du đều không biết rằng đàn cũng như người, một điệu nhạc buồn ly thương là báo hiệu những điều không tốt lành.

Nguyễn Du giữ chúng tôi nghỉ lại nhà một đêm, sáng hôm sau mới rời khỏi huyện Nghi Xuân, đi thẳng đến núi Thiên Nhẫn, Nghệ An. Lúc đến chân núi Thiên Nhẫn, trong khi còn ngơ ngác hỏi thăm nơi ở của Lạp Phong cư sĩ mà không ai biết thì được một người phụ nữ trung niên bán hàng nước gọi ra bảo:

– Cậu tìm thầy đồ Thiếp à? Đi thẳng đến dãy núi kia, đến chỗ cột cở hỏi trại Bùi Phong thì người ta sẽ chỉ cho. Mới ban sáng cũng có một cậu thanh niên hỏi y như cậu

– Không biết anh ta trông như thế nào ạ?

– Trông khá cao, thư sinh, nói năng cũng từ tốn như cậu vậy

Đoán được Nguyễn Ánh đã đến nơi rồi, tôi vội cảm ơn và chào cô bán hàng nước đi về phía trại Bùi Phong. Trời lúc này bắt đầu đổ mưa. Khi đến nơi thì trời đã gần cuối chiều và mưa như trút nước. Thanh Hà lấy ô che cho tôi sau đó tiến về phía nhà của Lạp phong cư sĩ.

Một cô gái trạc tầm 12, 13 tuổi che ô bước lại gần hỏi chúng tôi:

– Xin hỏi hai vị tìm ai ạ?

– Chúng tôi từ ngoài kinh thành vào, xin được gặp Lạp phong cư sĩ có chút việc cần thỉnh giáo

Cô gái chần chừ một lúc rồi mới nói chúng tôi đi theo. Lúc đi ngang qua sân lớn thì bắt gặp một thân ảnh quen thuộc đang quỳ giữa sân. Tôi khựng lại, nhìn con người lúc nào cũng thâm trầm nhưng ẩn giấu sự kiêu ngạo ấy, hai tay nắm chặt hai gối, hai mắt nhắm chặt mặc cho mưa rơi xối xả lên người, ướt đẫm bộ áo dài màu nâu đất. Cô gái trẻ thì thầm nói với tôi:

– Anh ấy xin thầy tôi gì đó nhưng không được nên đã quỳ ở đó từ sáng đến giờ. Lúc tôi mang cho anh ta cái ô, bảo anh ta hôm sau hãy quay lại nhưng anh ta vẫn nhắm mắt quỳ ở đó.

Tôi nắm chặt bàn tay lại, muốn nhấc bước chân chạy lại chỗ ấy để che ô cho Nguyễn Ánh nhưng chút lý trí còn sót lại đã mách bảo rằng làm như vậy sẽ lãng phí tâm sức anh ta quỳ từ sáng đến giờ.

Lạp Phong cư sĩ tuy đã ngoài 60 tuổi, tóc râu đã bạc trắng nhưng đôi mắt vẫn còn rất tinh anh. Lúc tôi nói là người họ Lê ở ngoài thành Đông Kinh, nghe danh Lạp phong cư sĩ đã lâu muốn đến đàm đạo về đạo làm quan, ông nhìn tôi nghiên cứu tỉ một lúc rồi mới hỏi:

– Lão tài hèn sức mọn, đã cáo quan về ở ẩn từ lâu, nay không màng gì đến việc thế sự nữa

– Nghe nói Lạp phong cư sĩ nay mở lớp dạy học tại nhà. Xin được hỏi, ngài dạy các môn đồ phải làm gì?

Lạp phong cư sĩ không nói gì, chỉ trầm tư vuốt chòm râu trắng như cước. Được một lúc tôi lại hỏi:

– Chẳng hay vị công tử quỳ ngoài kia có tội tình gì mà phải bị phạt quỳ như thế?

– Không phải cứ quỳ là phải có tội.

– Chỉ cần một câu nói của ngài chắc anh ta sẽ không quỳ nữa

Lạp phong cư sĩ quay sang tôi, đăm chiêu một lúc rồi mới hỏi:

– Công tử biết người ấy ư?

Tôi bình tĩnh ngúp một hụm trà rồi mới trả lời:

– Dạ không dám giấu, cũng gọi là có biết

Lạp phong cư sĩ lại im lặng một lúc, sau đó cáo lui, khi quay lại thì bảo người nhà kê thêm một chiếc ghế bên cạnh tôi. Trong lúc tôi vẫn còn đang thắc mắc trong lòng thì đã thấy Nguyễn Ánh trang phục chỉnh tể xuất hiện trước cửa. Anh ta trông thấy tôi, bỗng ngẩn người ra một lúc, sau mới từ tốn chào hỏi. Lạp phong cư sĩ mời anh ta ngồi, đợi anh ta uống xong miếng trà mới từ tốn nói:

– Hai vị đều từ phương xa tới, lại từ hai đằng khác nhau, tướng mạo quyền quý, nhưng xin phép cho lão phu được nói thẳng, lão phu cũng chuẩn bị trở thành người thiên cổ rồi, đối với chuyện chính sự không còn mấy quan tâm nữa. Vị huynh đệ này làm đại lễ như vậy, lão phu thấy thật hổ thẹn…

– Tiên sinh quá lời rồi, tiên sinh là bậc trưởng bối, lại tài trí hơn người, ta thực sự muốn bái tiên sinh làm thầy, cùng dựng nghiệp lớn

– Đa tạ đã coi trọng lão phu, nhưng nghiệp lớn không phải ngày một ngày hai mà thành được. Lão phu không dám nói nhiều chỉ xin tặng một chữ “nhẫn”

Thấy Lạp phong cư sĩ nói vậy, Nguyễn Ánh cũng không nói thêm gì nữa. Một lúc sau, chúng tôi cùng xin cáo từ ra về. Thấy trời đã tối, Lạp phong cư sĩ liền cho người dẫn chúng tôi đến một quán trọ ngày gần đường xuống núi. Quán trọ khá nhỏ nhưng sạch sẽ lại còn phục vụ cơm nước cho khách. Chủ quán xếp cho chúng tôi hai phòng cạnh nhau. Lúc chuẩn bị nhận phòng, Nguyễn Ánh bất ngờ hơi đổ người, tôi đỡ được cánh tay anh ấy, cảm thấy cả người anh ấy đang nóng rực. Ông chủ quán nhìn anh ấy rồi bảo:

– Mặt đỏ bừng, trán lại lấm tấm mồ hôi thế kia thì chắc là cảm rồi. Thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm. Lúc nắng chói chang, lúc mưa xối xả, không cẩn thận thì dễ bị cảm. Chịu khó nghỉ ngơi, uống thuốc thì sẽ chóng khỏi thôi

Ông chủ quán nói xong thì đỡ Nguyễn Ánh vào phòng, sau lại cho người mang cho chúng tôi hai phích nước nóng và 1 bát cháo hành tía tô. Tôi đỡ Nguyễn Ánh dậy, bảo anh ấy ráng ăn ít cháo còn uống thuốc. Anh ấy ăn được ba thìa thì nói muốn ngủ. Tôi đặt chiếc khăn nóng lên trán anh ấy, trán anh ấy hơi nhăn lại, lông mày khẽ giật. Con người này, trong giấc ngủ cũng không có được chút bình yên!

_______________________

(1) Nguyễn Cầm: Giống đàn tì bà (có 4 dây) và đàn nguyệt (thùng đàn tròn), là chiếc đàn nhân vật Thúy Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du hay dùng (nay đã thất truyền)

http://www.vietnhac.org/baivo/tvk-dankieu.html

(2) Thượng đẳng phúc thần: Tước hiệu Trịnh Sâm ban cho Nguyễn Nghiễm sau khi ông chết (Nguyễn Nghiễm là cha của Nguyễn Du)